Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

8 thói quen hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư

Bệnh ung thư được coi là một trong những chứng bệnh nan y nguy hiểm được phát hiện với số ca mắc bệnh ngày càng gia tăng trên thế giới. Hầu hết các căn bệnh ung thư nguy hiểm hiện nay đều có nguồn gốc từ thói quen sinh hoạt thiếu khoa học của chúng ta. Dưới đây là 8 thói quen hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư.

1 Thói quen uống trà nóng.

Một công trình nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học Anh British Medical Journal, đã khuyên mọi người không nên uống trà khi còn quá nóng. Lý do là vì khi uống trà quá nóng, thường cao hơn 70 độ C, có thể sẽ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.   


2. Thường thức khuya.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở đàn ông thường thức khuya cao gấp 2 lần so với những người bình thường khác.
Thức khuya thường xuyên làm thay đổi đồng hồ sinh hoạt của các tế bào trong cơ thể. Việc thức khuya có thể làm ngăn cản cơ thể sản sinh ra chất melatonin, chất chỉ tạo ra ở buổi đêm và có khả năng ngăn cản, tiêu diệt các tế bào ung thư cũng như ngăn cản quá trình oxy hoá các tế bào trong cơ thể.

3. Nhịn tiểu.

Khi bạn thường xuyên nhịn tiểu do thói quen hay vì ngại phải liên tục vào nhà vệ sinh của công ty, bàng quang sẽ trở thành nơi tích tụ và sản sinh của nhiều vi khuẩn. Các loại vi khuẩn này là một trong những thủ phạm hàng đầu gây ra chứng nhiễm trùng đường tiểu. Chứng bệnh này được đặc trưng bởi các triệu chứng như đau khi đi tiểu, đi tiểu nhiều, sốt, ớn lạnh và đau dạ dày. Nếu chứng nhiễm trùng đường tiểu không được chữa trị phù hợp và kịp thời thì thận cũng sẽ bị viêm nhiễm và gây ra nhiều hậu quả nặng nề như sỏi thận, viêm thận…. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có thói quen nhịn tiểu thì nguy cơ mắc ung thư bàng quang tăng gấp 3 đến 5 lần.


4 Ăn các loại thịt đỏ.
Thịt đỏ (bò, lợn, dê, cừu…) được xem là loại thực phẩm bổ dưỡng và được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên không phải cứ ăn nhiều thịt đỏ là tốt.
Theo kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học Trường ĐH Cambridge (Anh) đã tìm ra nguyên nhân gây ung thư từ các loại thịt đỏ này.Theo đó, những người thích ăn và ăn nhiều thịt có màu đỏ sẽ làm tăng lượng hợp chất có tên gọi là N-nitrosocompound trong ruột. Nếu lượng chất này cao sẽ làm phá huỷ DNA trong thành ruột. Bình thường thì cơ thể có thể tự điều chỉnh để làm lành lại DNA này, nhưng trong trường hợp DNA không lành được thì sẽ gây ra bệnh ung thư. Do vậy, các nhà khoa học khuyến cáo, điều chỉnh thực đơn và dinh dưỡng hợp lý sẽ làm giảm được nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

5. Ăn quá no.

Thói quen này không tốt cho sức khỏe, đầu tiên sẽ tự làm tổn thương dạ dày đường ruột của mình. Khi đường ruột bị quá tải sẽ khiến cho mất cân bằng chức năng dạ dày đường ruột, thời gian dài khó tránh khỏi biến chứng thành ung thư.


6. Bỏ bữa sáng.

Ăn sáng lại là cách tốt nhất để bạn khởi đầu một ngày mới thật khoẻ mạnh. Thế nhưng, có rất nhiều người thường không có thói quen này, nhất là các bạn trẻ.

Bỏ bữa sáng là một trong những nguyên nhân của bệnh ung thư dạ dày và túi mật thường gặp. Vì sau 8 tiếng cho giấc ngủ dài ban đêm, thức ăn của bữa tối đã được tiêu hoá hết và dạ dày vẫn tiếp tục tiết ra dịch vị. Nếu bạn không “nạp năng lượng” vào bữa sáng, dịch vị tiết ra nhiều mà không được sử dụng sẽ gây nên bệnh đau dạ dày hoặc viêm niêm mạc dạ dày. Đồng thời các chất cặn bã tích tụ trong dạ dày không có cơ hội đào thải ra ngoài, lâu ngày sẽ kết lại thành sỏi.

7. Hút thuốc lá.
Đây là thói quen được nói khá nhiều trên các phương tiện truyền thông, cũng như những tác hại mà nó mang lại.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thành phần các chất gây nghiệm Nicotine và Carbon monoxide trong thuốc lá có thể làm ngăn cản sự vận chuyển Oxy trong máu, gây nên hiện tượng suy hô hấp. Các chất khác như phenol và benzopyrens gây bệnh viêm phế quản và rối loạn thông khí, từ đó dẫn đến bệnh ung thư phổi nguy hiểm.
Ngoài ung thư phổi, một số bệnh ung thư nguy hiểm khác cũng liên quan trực tiếp tới việc hút thuốc lá như: ung thư vòm họng, ung thư thực quản…

8. Uống rượu bia.

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng rượu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh ung thư ở cấp độ di truyền bằng cách ảnh hưởng đến các gen gây ung thư trong giai đoạn đầu và xúc tiến bệnh ung thư. Nó sản sinh acetaldehyde, một sản phẩm của quá trình chuyển hóa rượu, làm suy yếu khả năng sửa chữa sai sót tự nhiên DNA của tế bào, kết quả làm tăng nguy cơ đột biến dẫn đến ung thư.

Việc lạm dụng rượu có thể dẫn đến những bất thường trong quá trình trao đổi chất của cơ thể và sau đó thúc đẩy một số loại ung thư. Riêng đối với gan – nhà máy lọc độc của cơ thể, việc uống rượu thường xuyên liên tục lại là một hành động "đầu độc" gan. Thông thường khả năng giải độc của gan chỉ nằm trong một giới hạn nhất định. Sử dụng nhiều rượu gây quá tải lên hệ thống lọc của gan từ đó các tế bào gan bị thương tổn và bị thay thế thành mô sẹo mãi mãi gây xơ gan mãn tính, dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra, rượu còn có thể làm trầm trọng thêm bệnh xơ gan gây ra bởi các virus viêm gan B hoặc C trước đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét